“Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền
Một dòng sữa thơm xa xôi còn truyền
Tuổi thần tiên đến khi em vừa đến
Áo ngắn đi dần, may áo mới luôn
Tuổi thần tiên lắng nghe cha ngọt ngào
Giọng trầm hát câu ca dao dạt dào..”
Tiếng đàn của Pingu thánh thót, điệu nhạc tươi vui làm giảm bớt không khí ngột ngạt của chung cư trong những ngày tù túng ở nhà tránh dịch Vũ Hán.
-Dạ. Con xin phép được nghỉ dạy 2 tuần. Tối mai con về Vĩnh Long.
Cô giáo dạy đàn của Pingu khá lớn tuổi, khuôn mặt thanh tú, dáng người mình hạc xương mai. Cô chẳng chịu nhận một món quà nào của học trò dầu trong ngày nhớ ơn thầy cô giáo 20.11 hay Tết thầy cuối năm nhưng giờ cô cảm kích khi mẹ Đăng biếu gói khẩu trang vải sát khuẩn ;
-Chúc cô về quê an lành. Cô cầm ít khẩu trang đi đường.
-Cám ơn em. Mong cả nhà bình an.
Bà ngoại tiễn cô ra thang máy. Nhìn cô khuất bóng khi cửa thang khép lại, ngoại bâng khuâng…
Ngoại từ Dalat về Saigon trông nom Pingu Ken khi Pingu mới sinh ra bởi lý do sợ con nít bị bắt cóc. Ngoại đùa khi bạn bè hỏi thăm:
-Tui về dưới đây bận bịu lắm. Tui mở Trung tâm rèn kỹ năng sống với một trường tư thục tiểu học.
-Ô! Ghê ta. Đông học sinh không.
-Có 2 học viên à.
-Thiệt tình.
Trong những ngày dịch Vũ Hán, ngoại xông xáo: trữ thức ăn, đồ uống, làm nước chanh, sả nóng cho người lớn mang theo, bắt Pingu Ken ngồi học, buộc hai đứa nhảy nhót vận động… Ba Hài, mẹ Đăng, dì Thư yên tâm đi làm; Pingu Ken mải mê việc học quên con vi rút lởn vởn đâu đó.
Ban ngày, ngoại tỏ ra người mạnh mẽ. Đêm về, ngoại mất ngủ: chiều qua chị bán dừa, hôm nay cô giáo dạy đàn, còn bao nhiêu người ngoại quen ngồi trên xe trở về quê. Dì Thư trở mình:
-Sao mẹ không ngủ.
-Sợ.
-Mẹ sợ gì. Không ra đường thì lo gì.
-Không phải bệnh mà ám ảnh cảnh người đi kẻ ở của hồi di tản năm 75.
…..
“Để trấn an nỗi sợ hãi, người dân đổ tiền ra mua đồ dự trữ: gạo cơm, thuốc men, xăng dầu, nhất là mì ăn liền phòng khi cuộc chiến xảy ra. Bề ngoài thành phố bình yên đến lặng lẽ, người ta dấu nỗi sợ hãi vào trong lòng. Dọc các con phố chính, các cửa hiệu lần lượt đóng cửa báo hiệu chủ nhân đã đi tản cư. Người ta bỏ ra đi, không ồn ào sôi động….” ( Bạc tóc tuổi hai mươi)
Cũng vào tháng ba năm đó, ngoại hơn Pingu chừng dăm, bảy tuổi; gia đình chất trên chiếc xe GMC mui trần về lánh nạn ở Nha Trang. Cả xóm ra tiễn: người đi mông lung điểm đến, kẻ ở lại thất thần không hiểu chuyện gì sẽ xảy đến với mình.
Chừng tuần sau, nhà ngoại quay về lại Dalat. Xe chật nên ngoại và ông cố đi chuyến sau. Quyết định dại dột đó khiến ngoại và ông cố lạc gia đình và hòa mình vào giòng người hoảng loạn cả tuần để vào đến Sài gòn.
Một tuần tuy chỉ có 7 ngày nhưng ám ảnh ngoại suốt đời, làm bạc tóc của ngoại dẫu chỉ ở tuổi hai mười. Khi ở đèo Sông Pha, ông cố muốn lên Dalat với gia đình nhưng ngoại lôi ông cố xuống đèo bởi cố là công chức. Cảnh dằn co khiến ngoại để hết nước mắt trên đèo nên giờ ngoại khó khóc.
Một tuần trên đường đi, ngoại gặp những cảnh mà Pingu Ken chỉ thấy trong phim: người chết đủ cách, kẻ khóc vì chia ly, nạn cướp bóc… nhưng cũng có ấm áp tình người khi có chị không quen cho ngoại nắm cơm lúc đói; ba người lính xa lạ dẫn ngoại và cố chạy qua đoạn đường đầy người chết và súng đạn. Phải gần 2 tháng sau gia đình ngoại mới đoàn tụ đông đủ.
Giờ ngoại cảm nhận tình cảnh quanh mình như kiến bò trong miệng chén: đi không chắc nơi mình về có yên ổn qua cơn đại dịch; ở lại hãi hùng bởi ám ảnh những khúc phim từ Vũ hán.
Dì Thư trấn an:
-Mẹ lo làm chi. Ai đi được thì đi, người ở lại thì ở . Miễn sao mọi người trong nhà gần bên nhau là đủ rồi. Cầu mong chi nữa.
Saigon 29.3.2020
No comments:
Post a Comment