Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền

Một dòng sữa thơm xa xôi còn truyền

Tuổi thần tiên đến khi em vừa lớn

Áo ngắn đi dần, may áo mới luôn.


Tuổi thần tiên lắng nghe cha ngọt ngào

Giọng trầm hát câu ca dao dạt dào

Tuổi thần tiên có thêm anh chị yêu

Có thêm ông bà tóc trắng da nheo.



Saturday, May 30, 2020

SỐNG GIỮA MÙA DỊCH CORONA (TẬP 6) CHUNG MỘT NỖI LO


Nghe tin Sài Gòn đón mấy chục ngàn người từ khắp nơi về trong cơn dịch Vũ Hán, ông Hoành nhắn tin:
-Về Dalat đi.
Về Dalat, trở về nhà! Quay lại thành phố bình an nhất của miền Nam từ trước đến nay.
Người Dalat vốn từ tốn, trầm tĩnh, dẫu trời mưa cũng không vội chạy nên bình tâm chờ cơn đại dịch đi qua. Mỗi sáng, ông Sâm chạy bộ quanh bờ Hồ, ngắm vẻ đẹp bình yên của thành phố. Ông chụp cảnh mờ ảo của giọt sương mai ướt đẫm ngọn thông. Ông Hùng mua đủ xương gà để dành cho con Tubi ăn cả tháng. Bà Hương dưỡng bệnh ít ra khỏi nhà than:
-Dalat vắng không tiếng còi xe. Bà thèm nghe một giọng cười..
Lò phở ông Hoàng, tiệm phở King ông Cẩn tuy ế ẩm nhưng đắp đổi qua ngày.
Cả nhà Pingu Ken mất một đêm để bàn bạc: người ta về quê để đoàn tụ với gia đình. Nay nhà Pingu Ken tính chuyện chia đôi: ông bà ngoại và Pingu Ken ra đi; ba Hài, mẹ Đăng, dì Thư ở lại. Pingu Ken nhất định:
-Mình cứ ở trong nhà đi mẹ. Tụi con nhớ ba mẹ.
Ừ! Thì không đi nữa. Vậy phải tính việc ở lại cho an toàn.
Pingu Ken còn nhỏ nên tính miễn nhiễm cao, Ông bà ngoại trên dưới 70 nên hơi lo. Ông ngoại tự biết thân nên chịu khó chạy quanh chung cư mỗi sáng, ăn xong ông vào phòng nghe tin tức. Ba Hài dặn bà ngoại:
-Mẹ đừng đi chợ nữa, cần gì thì nhắn tin, tối con mua về.
Cơm chiều nấu cơm xong, ai có mặt ăn trước; người về sau, tắm rửa xong tự dọn ra ăn. Mẹ Đăng lo lắng:
-Mình không lo bị F0 nhưng biết đâu mình trở thành F1, F2.
-Là sao hả mẹ.
-F0 vô bệnh viện. F1 cách ly ở trung tâm. F2 ở nhà.
-Vậy mình tính chuyện nhà có F2 đi mẹ.
Mỗi ngày chung cư vắng dần, người xách va ly ra khỏi cổng càng nhiều. Chị bán dừa gọi điện:
-Lâu con không thấy bà đi chợ. Tối nay con về quê rồi.

Trước khi từ giã, chị mang cho ngoại chục trái dừa thêm bó sả, nửa ký gừng với 1 ký chanh.
Khi con vi rút Vũ hán vượt tầm kiểm soát của nhiều quốc gia, ông Cẩn sốt ruột cho cậu King đang học bên Mỹ: Cậu King ở ký túc xá, nay trường đóng cửa không biết có xin được ở lại hay phải tạm lánh nơi nào.
Cậu Long Huy và dì Khanh đã về với gia đình ở Boston. Cậu Tỵ học ở Hà Lan may mắn được em của bạn bà Trang cưu mang đem về tránh dịch. Ông bà Hạnh Quyền thấy cậu Tỵ an toàn lại được học thêm tiếng bản địa; ông bà thắp nhang cám ơn trời Phật. Anh Bô Ban ở Philippe cũng được nhà cậu, dì chăm sóc.
Cậu Lâm, dì Kim, dì Cún…tuy đã đi làm nhưng ở xa nửa vòng trái đất cũng khiến người lớn cũng sốt ruột
Qua internet, mỗi ngày, người thân ở mỗi nơi báo cho nhau biết cuộc sống của mình: ông bà Cung mang thức ăn cho cậu Long chỉ để ở trước cổng: Huy Quang , Huy Việt chào Đan Anh ở bên kia hàng rào.
Ông Vượng buồn vì cậu Huy, dì Khanh đi học xa ở ký túc xá, bà Hoa với ông đi làm khác ca nay hội tụ về đủ. Tuy khó khăn về kinh tế nhưng vui vì có nhiều thời gian bên cho nhau

Bà Trang gọi điện về, Bá Thiện bi bô nói, giọng cao vút:
-Pingu nghe giọng opéra không.
-Bên đó, ông bà thế nào..
-À! 60 tuổi không được ra đường. Bà mua gạo từ đầu mùa đủ ăn cả năm. Thức ăn chỉ được 1 tháng nhưng rau thì thiếu.
-Bà đi chợ được không?
-Được, nhưng chỉ có 2 người trên 1 chiếc xe, nhiều hơn sẽ bị phạt, cả trăm đô đó. Vô siêu thị phải đứng cách nhau 2 mét.
Ken lí lắc:
-Cách nhau 2 mét sao trả được tiền hả bà.
-Thì khi đi mua thôi, còn trả tiền phải lại gần chứ. Bên này đi xe hơi nên có ai mua khẩu trang làm gì nên thiếu. Với lại, ai bệnh mới đeo bởi vậy nên dễ bị lây.
-Ông bà ráng giữ sức khỏe.
-Ừ! Cọp con với chuột nhắt ngoan nghe
Mọi người chung một nỗi lo. Biết bao giờ mới qua cơn đại hồng thủy này đây. Giờ mới thấm thía câu: Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Cho tôi thêm ngày nữa để yêu thương.
27.3.2020


No comments:

Post a Comment