Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền

Một dòng sữa thơm xa xôi còn truyền

Tuổi thần tiên đến khi em vừa lớn

Áo ngắn đi dần, may áo mới luôn.


Tuổi thần tiên lắng nghe cha ngọt ngào

Giọng trầm hát câu ca dao dạt dào

Tuổi thần tiên có thêm anh chị yêu

Có thêm ông bà tóc trắng da nheo.



Saturday, May 30, 2020

SỐNG GIỮA MÙA DỊCH CORONA (TẬP 11) TÔ PHỞ KING DALAT

Ở nhà lâu ngày vì tránh dịch Vũ Hán, Pingu Ken trở nên bẳn tính. Ngoại chịu khó đổi món ăn các kiểu mà hai anh em không vừa lòng. Cũng phải thôi, đang lúc cách ly, không thể ra khỏi nhà nên nấu ăn trong mùa dịch cũng khó khăn: bún riêu thiếu rau cánh giới, bánh mì bò kho không phải túi nêm thường nhật, miến gà vắng bóng rau răm …nên hai nhóc chê.
Nghe dì Ky báo:
-Ngày mai phở King bán lại. Mong quí khách ghé qua.
Pingu Ken đồng thanh:
-Ước gì có tô phở King của ông Cẩn.
-Đâu ra. Ở tuốt luốt Dalat luôn. Mơ chi.
Ông Cẩn là em ruột của bà ngoại. Ông cao to, râu tóc xồm xoàm trông giống con gấu nhưng dễ gây tình cảm với trẻ con. Lúc còn nhỏ, Ken khó rời khỏi tay ngoại cũng chịu xuống đất đá banh nilon với ông. Ôm Pingu vào lòng, thấy cháu khó chịu, ông tìm ra ngón tay Pingu bị sợi len quấn chặt.

Ông có thói quen lấy râu cù vào cổ, má để trẻ buồn buồn cười khanh khách ( nghe kể lại, em Louis mới 5 tháng bị râu cà mặt, bực mình, giơ tay xáng ông ngoại Cẩn một phát tóe lửa. Pingu Ken khoái chí: Nhóc Trùm ngon thiệt!).
Khách hàng đem theo em bé, ông Cẩn sẽ bế hộ để bố mẹ ăn thoải mái rồi mới giao lại. Có trẻ đòi ông chủ quán đút mới chịu ăn.
Pingu là dân Vĩnh Long chính gốc, chỉ thích ăn cơm tấm, sườn bì, hai trứng. Mẹ Đăng dẫn đi ăn phở 24, Tàu Bay, Lý Quốc Sư…Pingu lắc đầu quầy quậy không ưa nhưng khi về Dalat thì chỉ ăn phở King.
Tuy vậy, ăn phở King không phải dễ!
Mỗi lần Tết, lễ lớn nghỉ dài ngày Pingu Ken mới được về quê ngoại, lượng du khách lên đông nghịt nghẹt đường xá, kiếm taxi không ra, đa phần phải cuốc bộ, đến nơi nhìn phở King giống trại tạm cư.
Chiếc xe du lịch 50 chỗ đậu trước cổng, thả khách xuống, dân địa phượng phải dạt qua bên. Ngoại ỷ người thân, lên nhà trên dọn bàn ăn cho mọi người ngồi. Ngoại ra quầy, đứng gần dì Ky:
-Cho cô 1 tô tái chín, 1 tái nạm….

Ngoại làm luôn người bưng bê. Khi người nhà có đủ, ngoại thong thả phụ đón khách:
-Dọn giùm cái bàn này.
Ngoại cười cười:
-Anh sai thì tui làm đó nghe. Tui là khách y chang anh luôn.
Ngoại dọn tô, lau bàn, đem rau… Khi vãng khách, bà Cúc bưng ra tô thập cẩm đặc biệt :
-Thôi ! Chị ăn đi.
Bên trong nhà, Pingu Ken còn thêm chén trứng. Pingu húp sạch, úp ngược tô phở xuống bàn mới hài lòng.
Buổi sáng kèm theo ly cà phê mà dì Ky pha, cả nhà ngồi tám chuyện đến trưa. Bà Cúc trổ tài nấu nướng : tô canh chua, cá chiên với dưa cải muối…
Bên kia, nửa vòng trái đất, bà Trang mơ :
-Ước gì Cúc Cẩn qua đây nấu cho tô phở.
Ừ ! Tưởng vậy mà không phải vậy đâu bà Trang. Nếu bà Cúc có nấu y như Dalat vẫn không thấy ngon. Bởi vì ăn phở King phải ngồi ngoài sân, dưới giàn hoa màu tím xanh nhạt, cạnh bức tường đá có dây leo che kín, hay trong phòng khách chứa đủ các thứ đồ lỉnh kỉnh, phải có cái không khí lộn xộn của quán khi đông khách và nhất là cái dáng người to như con gấu của ông Cẩn giơ tay chào người này, cười với người kia thì mới đúng điệu !!!
21.4.2020


SỐNG GIỮA MÙA DỊCH CORONA (TẬP 10) KHÔNG THẦY ĐỐ MÀY LÀM NÊN


Tết xong, trường học, trung tâm dạy Anh văn, robot… cho Pingu Ken nghỉ tránh dịch cúm Vũ Hán, hai đứa chỉ học ở Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng sống và trường tư thục tiểu học có 2 học viên của ngoại. Từ người sáng lập kiêm giáo viên, khi Pingu lên lớp 6, ngoại giữ chức giám thị và trong mùa dịch, mẹ Đăng làm việc ở nhà thì ngoại xuống làm tạp vụ chuyên lo nước uống cho mọi người.
Thời gian đầu mới nghỉ học, VUS và Yola có chương trình dạy online (dạy trực tuyến hay dạy qua mạng), chừng 1 tháng thì hết khóa. Khóa mới được giảm 20% nhưng phụ huynh không muốn ghi danh vì học Anh văn thời nay phải lồng trò chơi, chia nhóm, thuyết trình, đóng kịch đủ các kiểu nên lớp của Pingu còn 1/3 sĩ số; lớp Ken phải ngưng chờ cho đủ người.
Pingu học lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa, nhà trường dạy trực tuyến chuyên nghiệp: bài giảng đến bài học; trắc nghiệm hay tự luận đều có; học đủ các môn, kể cả thể dục:
-Mỗi ngày, các em tập nhảy 50 cái không vấp.
Buổi tối, ba Hài bước chân vô nhà, xoa cồn xong, lấy trong cặp lấy xấp bài in cho Pingu:
-Nè ông trời con. Ráng học nghe chưa.
Thầy hướng dẫn của Pingu còn trẻ, thầy hẹn giờ cho học sinh học toán. Cả lớp như cái chợ vỡ hỏi thăm nhau:
-Mấy đứa nói đủ chưa. Thôi yên lặng.
Pingu vào giờ học, cả nhà giữ im lặng hơn khi mẹ Đăng với dì Thư họp với sếp. Chỉ nghe tiếng động, Pingu ngước đôi mắt một mí lên và đưa ngón tay lên miệng. Ken lẩm bẩm:
-Mệt chết được.
Một hôm mẹ Đăng khám phá màn hình laptop của Pingu chỉ có hình của thầy:
-Sao con không mở camera của con
-Dạ. Thầy không yêu cầu.
-Không được. Thầy thấy con, thấy mới biết con có hiểu bài hay không. Bộ thầy không thắc mắc sao.
-Dạ có nhưng con nói thầy: máy con hư, ba con chưa sửa,
-Úi! Pingu biết nói xạo.

Hôm sau, Pingu thay chiếc áo đi chơi ngồi học, dì Thư than:
-Pingu của dì lớn rồi.
Trường tiểu học Đặng Thùy Trâm của Ken nằm trên đường Trần Xuân Soạn nhìn ra bờ kè kinh Tẻ hiền hòa, có chợ nổi bán hoa Tết mỗi năm. Học sinh đủ mọi thành phần
“Bà nội bạn Tuấn Anh tâm sự :
-Mẹ nó bỏ đi khi nó mới 18 tháng, giờ không biết ở nơi nào. Ba nó cũng đã lấy vợ rồi. Nó ờ với tui từ nhỏ. Hai bà cháu hủ hỉ với nhau.
Bà bùi ngùi:
- Giờ tui cỏn sống Tuấn Anh dựa vào tui, tui mất đi, thì tội cho nó, đâu ai có trách nhiệm phải nuôi. Mà nó cũng biết điều đó, nó quanh quẩn bên tôi không rời nửa bước , nó sợ tui bỏ nó. Mỗi lần tui đi chợ, nó ra cửa trông. Tan trường nó nhìn quanh quất thấy tui mới an tâm.
Bên trái của Ken là bạn Quốc Thái, bà nội cuả bạn già và lam lũ so với bà Tuấn Anh. Bà góp lời:
-Mẹ nó cũng bỏ tụi nó đi rồi. Anh em nó tới 3 đứa . Đứa đầu học lớp 7, đứa sau lớp 4 rồi tới nó. Ba nó làm quần quật cả ngày”.
Trước tết, vào học kỳ II, cô giáo dặn đem hết sách vở lên lớp kiểm tra và để lại trường khỏi xách về nhà. Giờ trường đóng cửa, học trò không ra khỏi nhà:
-Cô ơi, con không có sách để ôn bài.
Biết không phải nhà nào cũng có máy vi tính, cô giáo dặn học sinh học qua điện thoại vào 8 giờ tối thứ 7 vì lúc đó phụ huynh mới đi làm về, cho con mượn điện thoại.
Lớp học của Ken y như trại tạm cư: bạn cầm tô cơm, bạn nằm trên giường, Ken đòi đeo khẩu trang ngồi trước máy….lộn xộn vậy mà cũng chưa được nửa lớp.
Không biết các em lớp 1,2 học trực tuyến ra sao: ai cầm tay rèn viết, lắng tai nghe từng em đánh vần. Qua mùa dịch Corona chắc đến mùa chống mù chữ hoặc tái mù. Giờ mới thấm thía câu: Không thầy đố mày làm nên!
10.4.2020

SỐNG GIỮA MÙA DỊCH CORONA (TẬP 8) MẸ Ở NHÀ


Tối 10 giờ, công ty mẹ Đăng gởi thông báo: mọi nhân viên làm việc online ở nhà cùng với thông báo của chính quyền hạn chế việc đi lại.
Mẹ ở nhà!
Ông bà ngoại trên dưới 70 tuổi, bớt minh mẫn lại không được ra ngoài, dì Thư giỏi việc công ty hơn việc nhà, Pingu Ken còn ngu ngơ nên việc mẹ Đăng ở nhà là điều kỳ diệu.
Giờ chỉ có ba Hài đi làm tận Bình Dương. Sáng, Pingu Ken đưa ba ra cử mà khuôn mặt cứ như tiễn Kinh Kha qua nước Tần.
Mẹ Đăng chuẩn bị cho ba 2 lon mì ăn liền, trứng, cà chua thêm trái táo:
-Đem chi tới 2 phần,
-Phòng hờ trong phòng có người quên đem.
Mẹ Đăng dọn tủ lạnh kiểm tra lại thức ăn, càm ràm:
-Bà ngoại xếp đồ lôn xộn quá.
Mẹ Đăng lên một danh sách thực phẩm phải mua thêm phòng khi phong tỏa toàn diện. Ngoài thịt, cá, rau còn có cà phê nestlé màu xanh cho ông ngoại, lon trà đào cho Pingu Ken vì ly trà sữa cuối cùng đã giao, thức ăn chay cho bà ngoại, thêm mấy lon heineken cho ba Hài…
Cái thì mẹ Đăng với dì Thư ra siêu thị Coop Mart, cái thì mua của các cô trong công ty đóng từ quê gởi lên. Mẹ dặn:
-Bà ngoại xuống lấy hàng nhớ đưa thêm tiền cho người giao. Giờ này mà phải ra đường kiếm ăn là quá khổ.
Ngoại san cho chú bảo vệ trẻ mấy gói mì và cà phê, đưa cô vệ sinh lon thịt hộp.
Trong chiếc ví của mẹ Đăng có một phong bì màu đỏ để dành cho ông thương binh VNCH bán vé số quen thuộc của nhà. Mẹ tính gởi chi phí cho ông về quê ăn Tết nhưng mấy lần ra quán mà không gặp. Mẹ đành chia thành 5 phần lì xì mấy ông bảo vệ ban đêm lớn tuổi của chung cư, còn để dành lại một phần. Không biết trong trận dịch này, ông thương binh ở quê ra sao. Cầu mong ông và cả nhà được bình an.
Buổi tối cả nhà ăn cơm trước. Ba Hài về muộn, ăn cơm một mình, Ken lon ton sà bên cạnh:
-Ba nhậu phải không?

-Trời! Giờ này mà nhậu gì. Quán xá đóng cửa rồi. Từ trưa tới giờ có mỗi ly mì ăn liền. Đói muốn chết.
-Sao con nghe mùi rượu?
-Thôi đi ông cụ non. Mùi cồn mà không nhận ra à.
Cả nhà nhìn nhau. Thiện tai ! Thiện tai ! Thí chủ bỏ quá. Cả nhà sai rồi.
31.3.2020

SỐNG GIỮA MÙA DỊCH CORONA (TẬP 9) TÔ MÌ QUẢNG DALAT


Thoắt cái! Ba tháng trôi qua, Pingu quên con đường dẫn đến trường bởi mới vào lớp 6 có mấy tháng; hai tháng Pingu Ken chưa bước chân ra khỏi chung cư và hơn tháng không thấy cánh cửa cầu thang máy để xuống sân. Ken nhả hết màu da đen của nước flo ở hồ bơi Nguyễn Hữu Thọ; hai anh em trắng như con gián ngày dù ngoại mở toang các cửa cho nắng chiếu vào nhà.
Để hai anh em không lo lắng nhiều đến dịch cúm Vũ hán, chuyện học diễn ra đều đặn thường ngày. Mẹ Đăng làm việc ở nhà nên tất cả đâu ra đó; hai nhóc không chạy ra, chạy vô mở tủ lạnh, bớt chuyện kiếm cớ đi vệ sinh câu giờ.
Nghĩ cũng tội, đứa trong đội tuyển bơi lội của trường, từng tham gia thi giải của quận với đứa đoạt huy chương vàng kéo co mà nay bó gối trong căn phòng khách nhỏ xíu nên đôi khi cũng hơi tưng tửng. Pingu đang ngồi học, tờ giấy nháp theo gió bay ra cửa, Pingu chạy ra để kệ đựng đồ:
-Ủa sao không chạy ra lấy tờ giấy.
-Con kiếm khẩu trang đeo vào đã.
Pingu chưa kịp đeo khẩu trang thì tờ giấy bay tuốt xuống dưới sân.
Mặc dù mẹ Đăng trổ tài nấu những món mà hai nhóc ưa thích: bột chiên, trà đào, thậm chí cả bánh tráng trứng còn gọi là pizza Dalat…. vậy mà ngồi ở lan can nhìn xuống đất, nghe tiếng gà gáy vang ở đất trời Sài Gòn, Pingu mơ tới dĩa cơm tấm mỗi sáng chủ nhật trước giờ vào học Anh văn; Ken ước ly kem bán cạnh trường bởi cảnh vật náo nhiệt, không khí ồn ào quanh đó. Ken bàn:
-Để Ken nói dì Thư ship trà sữa nghe.
-Không dám đâu. Lỡ có con vi rút dính vô đó thì sao?
-Mình bỏ nó vô tủ lạnh đợi 14 ngày sau lấy ra uống.
-Khùng thiệt.
Hai đứa lắng tai nghe tiếng mẹ Đăng:
-Trên facebook của chung cư có người báo: gà và vịt từ quê lên, ai cần không?
Dì Thư giỡn:
-Gà vịt đủ rồi. Đăng hỏi có con bò nào 3 ký không. Mình mua nguyên con.
-Dì Thư! Có con bò nào 3 ký!
-Có mới quý à nghen.
Mẹ Đăng lên tiếng :
-Cái này hay nè : em thèm ăn mì quảng, ai muốn ăn thì em nấu luôn. Chỉ hạn chế 20 tô thôi. Ưu tiên cho người Dalat.

-Mẹ! con muốn!
Mì quảng, phở, bún bò, bún riêu….là món đặc sản của địa phương khác nhưng khi lên khỏi đèo Prenn thì trở thành đặc sản riêng của người Dalat mà thậm chí chủ nhân món ăn đó nhận không ra. Họ chê : người Dalat nấu ăn lãng nhách. Bởi món ăn nào người Dalat cũng tặng thêm dĩa rau xà lách corrol tươi ngon.
Chiều đến, mẹ Đăng nhận về 4 tô mì quảng Dalat y như mơ ước : sợi mì quảng vàng, thịt heo ướp thấm, miếng bánh tráng, chút đậu phụng, dĩa rau xà lách corrol cứng xắc nhuyễn thêm mùi thơm tỏa ra hấp dẫn
Ở một nơi cách xa Dalat đến hơn 300 km, trong thành phố đến cả 10 triệu người vậy mà có người chia sẻ tô mì quảng gợi nhớ quê nhà thương yêu trong thời gian phong tỏa vì dịch bệnh, thật ấm áp tình người !
6.4.2020

SỐNG GIỮA MÙA DỊCH CORONA (TẬP 7) THÁNG BA NĂM ĐÓ


Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền
Một dòng sữa thơm xa xôi còn truyền
Tuổi thần tiên đến khi em vừa đến
Áo ngắn đi dần, may áo mới luôn
Tuổi thần tiên lắng nghe cha ngọt ngào
Giọng trầm hát câu ca dao dạt dào..”
Tiếng đàn của Pingu thánh thót, điệu nhạc tươi vui làm giảm bớt không khí ngột ngạt của chung cư trong những ngày tù túng ở nhà tránh dịch Vũ Hán.
-Dạ. Con xin phép được nghỉ dạy 2 tuần. Tối mai con về Vĩnh Long.
Cô giáo dạy đàn của Pingu khá lớn tuổi, khuôn mặt thanh tú, dáng người mình hạc xương mai. Cô chẳng chịu nhận một món quà nào của học trò dầu trong ngày nhớ ơn thầy cô giáo 20.11 hay Tết thầy cuối năm nhưng giờ cô cảm kích khi mẹ Đăng biếu gói khẩu trang vải sát khuẩn ;
-Chúc cô về quê an lành. Cô cầm ít khẩu trang đi đường.
-Cám ơn em. Mong cả nhà bình an.
Bà ngoại tiễn cô ra thang máy. Nhìn cô khuất bóng khi cửa thang khép lại, ngoại bâng khuâng…
Ngoại từ Dalat về Saigon trông nom Pingu Ken khi Pingu mới sinh ra bởi lý do sợ con nít bị bắt cóc. Ngoại đùa khi bạn bè hỏi thăm:
-Tui về dưới đây bận bịu lắm. Tui mở Trung tâm rèn kỹ năng sống với một trường tư thục tiểu học.
-Ô! Ghê ta. Đông học sinh không.
-Có 2 học viên à.
-Thiệt tình.
Trong những ngày dịch Vũ Hán, ngoại xông xáo: trữ thức ăn, đồ uống, làm nước chanh, sả nóng cho người lớn mang theo, bắt Pingu Ken ngồi học, buộc hai đứa nhảy nhót vận động… Ba Hài, mẹ Đăng, dì Thư yên tâm đi làm; Pingu Ken mải mê việc học quên con vi rút lởn vởn đâu đó.

Ban ngày, ngoại tỏ ra người mạnh mẽ. Đêm về, ngoại mất ngủ: chiều qua chị bán dừa, hôm nay cô giáo dạy đàn, còn bao nhiêu người ngoại quen ngồi trên xe trở về quê. Dì Thư trở mình:
-Sao mẹ không ngủ.
-Sợ.
-Mẹ sợ gì. Không ra đường thì lo gì.
-Không phải bệnh mà ám ảnh cảnh người đi kẻ ở của hồi di tản năm 75.
…..
Để trấn an nỗi sợ hãi, người dân đổ tiền ra mua đồ dự trữ: gạo cơm, thuốc men, xăng dầu, nhất là mì ăn liền phòng khi cuộc chiến xảy ra. Bề ngoài thành phố bình yên đến lặng lẽ, người ta dấu nỗi sợ hãi vào trong lòng. Dọc các con phố chính, các cửa hiệu lần lượt đóng cửa báo hiệu chủ nhân đã đi tản cư. Người ta bỏ ra đi, không ồn ào sôi động….” ( Bạc tóc tuổi hai mươi)
Cũng vào tháng ba năm đó, ngoại hơn Pingu chừng dăm, bảy tuổi; gia đình chất trên chiếc xe GMC mui trần về lánh nạn ở Nha Trang. Cả xóm ra tiễn: người đi mông lung điểm đến, kẻ ở lại thất thần không hiểu chuyện gì sẽ xảy đến với mình.
Chừng tuần sau, nhà ngoại quay về lại Dalat. Xe chật nên ngoại và ông cố đi chuyến sau. Quyết định dại dột đó khiến ngoại và ông cố lạc gia đình và hòa mình vào giòng người hoảng loạn cả tuần để vào đến Sài gòn.
Một tuần tuy chỉ có 7 ngày nhưng ám ảnh ngoại suốt đời, làm bạc tóc của ngoại dẫu chỉ ở tuổi hai mười. Khi ở đèo Sông Pha, ông cố muốn lên Dalat với gia đình nhưng ngoại lôi ông cố xuống đèo bởi cố là công chức. Cảnh dằn co khiến ngoại để hết nước mắt trên đèo nên giờ ngoại khó khóc.
Một tuần trên đường đi, ngoại gặp những cảnh mà Pingu Ken chỉ thấy trong phim: người chết đủ cách, kẻ khóc vì chia ly, nạn cướp bóc… nhưng cũng có ấm áp tình người khi có chị không quen cho ngoại nắm cơm lúc đói; ba người lính xa lạ dẫn ngoại và cố chạy qua đoạn đường đầy người chết và súng đạn. Phải gần 2 tháng sau gia đình ngoại mới đoàn tụ đông đủ.
Giờ ngoại cảm nhận tình cảnh quanh mình như kiến bò trong miệng chén: đi không chắc nơi mình về có yên ổn qua cơn đại dịch; ở lại hãi hùng bởi ám ảnh những khúc phim từ Vũ hán.
Dì Thư trấn an:
-Mẹ lo làm chi. Ai đi được thì đi, người ở lại thì ở . Miễn sao mọi người trong nhà gần bên nhau là đủ rồi. Cầu mong chi nữa.
Saigon 29.3.2020

SỐNG GIỮA MÙA DỊCH CORONA (TẬP 6) CHUNG MỘT NỖI LO


Nghe tin Sài Gòn đón mấy chục ngàn người từ khắp nơi về trong cơn dịch Vũ Hán, ông Hoành nhắn tin:
-Về Dalat đi.
Về Dalat, trở về nhà! Quay lại thành phố bình an nhất của miền Nam từ trước đến nay.
Người Dalat vốn từ tốn, trầm tĩnh, dẫu trời mưa cũng không vội chạy nên bình tâm chờ cơn đại dịch đi qua. Mỗi sáng, ông Sâm chạy bộ quanh bờ Hồ, ngắm vẻ đẹp bình yên của thành phố. Ông chụp cảnh mờ ảo của giọt sương mai ướt đẫm ngọn thông. Ông Hùng mua đủ xương gà để dành cho con Tubi ăn cả tháng. Bà Hương dưỡng bệnh ít ra khỏi nhà than:
-Dalat vắng không tiếng còi xe. Bà thèm nghe một giọng cười..
Lò phở ông Hoàng, tiệm phở King ông Cẩn tuy ế ẩm nhưng đắp đổi qua ngày.
Cả nhà Pingu Ken mất một đêm để bàn bạc: người ta về quê để đoàn tụ với gia đình. Nay nhà Pingu Ken tính chuyện chia đôi: ông bà ngoại và Pingu Ken ra đi; ba Hài, mẹ Đăng, dì Thư ở lại. Pingu Ken nhất định:
-Mình cứ ở trong nhà đi mẹ. Tụi con nhớ ba mẹ.
Ừ! Thì không đi nữa. Vậy phải tính việc ở lại cho an toàn.
Pingu Ken còn nhỏ nên tính miễn nhiễm cao, Ông bà ngoại trên dưới 70 nên hơi lo. Ông ngoại tự biết thân nên chịu khó chạy quanh chung cư mỗi sáng, ăn xong ông vào phòng nghe tin tức. Ba Hài dặn bà ngoại:
-Mẹ đừng đi chợ nữa, cần gì thì nhắn tin, tối con mua về.
Cơm chiều nấu cơm xong, ai có mặt ăn trước; người về sau, tắm rửa xong tự dọn ra ăn. Mẹ Đăng lo lắng:
-Mình không lo bị F0 nhưng biết đâu mình trở thành F1, F2.
-Là sao hả mẹ.
-F0 vô bệnh viện. F1 cách ly ở trung tâm. F2 ở nhà.
-Vậy mình tính chuyện nhà có F2 đi mẹ.
Mỗi ngày chung cư vắng dần, người xách va ly ra khỏi cổng càng nhiều. Chị bán dừa gọi điện:
-Lâu con không thấy bà đi chợ. Tối nay con về quê rồi.

Trước khi từ giã, chị mang cho ngoại chục trái dừa thêm bó sả, nửa ký gừng với 1 ký chanh.
Khi con vi rút Vũ hán vượt tầm kiểm soát của nhiều quốc gia, ông Cẩn sốt ruột cho cậu King đang học bên Mỹ: Cậu King ở ký túc xá, nay trường đóng cửa không biết có xin được ở lại hay phải tạm lánh nơi nào.
Cậu Long Huy và dì Khanh đã về với gia đình ở Boston. Cậu Tỵ học ở Hà Lan may mắn được em của bạn bà Trang cưu mang đem về tránh dịch. Ông bà Hạnh Quyền thấy cậu Tỵ an toàn lại được học thêm tiếng bản địa; ông bà thắp nhang cám ơn trời Phật. Anh Bô Ban ở Philippe cũng được nhà cậu, dì chăm sóc.
Cậu Lâm, dì Kim, dì Cún…tuy đã đi làm nhưng ở xa nửa vòng trái đất cũng khiến người lớn cũng sốt ruột
Qua internet, mỗi ngày, người thân ở mỗi nơi báo cho nhau biết cuộc sống của mình: ông bà Cung mang thức ăn cho cậu Long chỉ để ở trước cổng: Huy Quang , Huy Việt chào Đan Anh ở bên kia hàng rào.
Ông Vượng buồn vì cậu Huy, dì Khanh đi học xa ở ký túc xá, bà Hoa với ông đi làm khác ca nay hội tụ về đủ. Tuy khó khăn về kinh tế nhưng vui vì có nhiều thời gian bên cho nhau

Bà Trang gọi điện về, Bá Thiện bi bô nói, giọng cao vút:
-Pingu nghe giọng opéra không.
-Bên đó, ông bà thế nào..
-À! 60 tuổi không được ra đường. Bà mua gạo từ đầu mùa đủ ăn cả năm. Thức ăn chỉ được 1 tháng nhưng rau thì thiếu.
-Bà đi chợ được không?
-Được, nhưng chỉ có 2 người trên 1 chiếc xe, nhiều hơn sẽ bị phạt, cả trăm đô đó. Vô siêu thị phải đứng cách nhau 2 mét.
Ken lí lắc:
-Cách nhau 2 mét sao trả được tiền hả bà.
-Thì khi đi mua thôi, còn trả tiền phải lại gần chứ. Bên này đi xe hơi nên có ai mua khẩu trang làm gì nên thiếu. Với lại, ai bệnh mới đeo bởi vậy nên dễ bị lây.
-Ông bà ráng giữ sức khỏe.
-Ừ! Cọp con với chuột nhắt ngoan nghe
Mọi người chung một nỗi lo. Biết bao giờ mới qua cơn đại hồng thủy này đây. Giờ mới thấm thía câu: Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Cho tôi thêm ngày nữa để yêu thương.
27.3.2020


SỐNG GIỮA MÙA DỊCH CORONA (TẬP 3) NỖI SỢ ĐẾN GẦN


Ở nhà khá lâu, Pingu Ken chồn chân không được ra đường, đi siêu thị, gặp bạn bè bởi sống trong mùa dịch Vũ Hán. Hai đứa được người lớn dặn dò kỹ: phải đeo khẩu trang dẫu chỉ xuống dưới sảnh chung cư, rửa tay thật kỹ và nhất là chịu khó ở suốt trong nhà.

Mọi chuyện tưởng chừng như sáng sủa khi chỉ còn vài hôm sẽ đi học sau thời gian dài không thêm ca bệnh nào. Pingu chuẩn bị nạp tờ poster về corona cho trường thì chuyến may bay VN0054 bão tố gây cơn đại địa chấn lây nhiễm dịch bệnh lần 2. Hôm đó, người lớn thức trắng đêm khi 2 nhóc ngủ say.

Pingu Ken chỉ cảm nhận không khí căng thẳng khi chung cư để sẵn chai cồn trừ khuẩn gần thang máy và dán một số thông báo về cách phòng dịch. Tối về, Pingu Ken đón ba mẹ và dì Thư bằng lối chào bằng chân; trong bữa cơm, lắng tai nghe lỏm người lớn nói chuyện thêm người nhiễm bệnh. Khuôn mặt ai cũng nhuốm phần lo lắng.

Mẹ Đăng phát thêm khẩu trang vải sát khuẩn, dặn:

-Mỗi khi về nhà, giặt và phơi lên ngay. Công ty lên kế hoạch một nửa làm ở nhà, một nửa đến công ty. Lỡ có chuyện thì chỉ cách ly một nửa. Thay phiên mỗi ngày


Ba Hài lo lắng:

-Người Tây Phương không có thói quen đeo khẩu trang. Họp với họ xong lo lắm. Lo rửa tay suốt.

Dì Thư than:

-Lên công ty, dì đeo khẩu trang cả ngày, khó thở lắm nhưng ráng chịu. Mấy cô cười nói dì sao kỹ vậy, sao sợ dữ vậy. Dì nói: bố mẹ em trên dưới 70 tuổi, cháu em còn nhỏ. Lỡ may em đem bệnh về nhà thì phiền, nhất là bố mẹ em. Dì chịu khó một chút cho an tâm.

Báo chí loan tin số người dương tính càng tăng; khu vực cách ly mỗi ngày một gần nhà. Ngoại sống trong thời chiến tranh và nỗi sợ khi chạy di tản ám ảnh nên lo:

-Phải mua thức ăn trữ ít nhất là 14 ngày. Chứ ngủ dậy, mở mắt ra thấy chung cư bị cách ly thì khổ.

Cái sợ, cái lo mỗi ngày một lớn.

Cả nhà đang ăn cơm tối, bỗng loa phát thanh của chung cư vang lên:

-Quý cư dân trước khi vào căn hộ, xin tới bàn tiếp tân để bảo vệ đo nhiệt độ.

Pingu Ken tròn mắt nhìn nhau: Ôi! Ken sợ ở một mình còn Pingu ám ảnh những ngày mổ ruột thừa ở Nhi Đồng 1. Hai nhóc rùng mình. Ghê quá! Đêm nay, người lớn lại mất ngủ. Oái oăm thay! Muốn người ở suốt trong nhà tránh dịch thì cũng phải có kẻ ra đường kiếm cái ăn. Mong sao cơn dịch đi qua! Mong sao mọi việc đều bình an

19.3.2020


Friday, May 29, 2020

SỐNG GIỮA MÙA DỊCH CORONA (TẬP 2) THƯỢNG ĐẾ CŨNG PHÁT KHÙNG


Ở nhà đã 2 tháng, ban ngày, người lớn đi làm nhưng học sinh không phải đến trường. Nhà còn 3 bà cháu. Pingu Ken cãi nhau đã, quay qua cà khịa với bà ngoại. Ngoại tức:
-Ngày xưa, bà nhớ dì Khanh, con ông Vượng tị nạnh: Pingu Ken có bà ngoại sướng ghê! Tụi cháu sinh ra đã không còn bà ngoại. Mấy đứa có phước mà không biết hưởng.
Pingu nheo nhẻo:
-Cháu biết mà, tụi cháu may mắn khi có bà ngoại. Bà ngoại của tụi cháu rất là (ngoại đắc chí vì nghĩ Pingu sẽ nói rất là hiền, Pingu nheo mắt) …rất là “lựu đạn”.
-Ủa sao kỳ vậy?
Ngoại ngẫm nghĩ rồi cười: nó nói cũng đâu sai.
Mỗi lần Ken nhõng nhẽo:
-Bà ngoại nói 1 lần thôi: Minh Nhật đẹp trai không ai bằng Minh Nhật đẹp trai đi mà.
-Xin thí chủ hãy có lòng tự trọng. Nếu không, bần tăng phải đi chỉnh lại cặp mắt kiếng.
Thấy Pingu xới tới chén cơm thứ 4, ngoại nhìn lom lom:
-Cái mặt tròn vo không thấy cái cằm luôn.
Lầm bầm:
-Không hiểu sao mắt một mí, mũi tẹt, không cằm mà lên xuống cầu thang có người khen: đẹp trai thiệt.
Pingu vênh mặt:
-Mắt một mí, mũi tẹt, không cằm nhưng ráp lại thành một vẻ đẹp hoàn hảo.
-Thí chủ soi gương chưa, nếu rồi xin thí chủ uống thuốc giùm ( ý nói Pingu điên quên uống thuốc).
Hai đứa đang ngồi học, sáng ngoại đặt trước mặt ly gừng nóng, chiều ly đá chanh:
-Con mới uống sữa, bụng đâu mà chứa, ngoại.
-Thì để vậy đó, khi nào thích thì uống. Cái này người ta nói ngừa được corona đó.
Chiều về, Ken méc mẹ:
-Mẹ! Bà ngoại có điện thoại thì y như ngoại quảng cáo trà gừng với nước chanh. Nghe mệt ghê.
Chờ ngoại thắp nhang, đọc chú Đại Bi xong, Pingu nói tưng tửng:
-Ngoại! Ngoại! con có bài thần chú này hay nè: cô rô na, xa ta ra; xa bà ta ra; xa cha ta ra; xa má ta ra; xa cả nhà ta, không ta đập chết cha.
Thấy ngoại giận, Ken làm lành:
-Bà ngoại dễ thương! Bà ngoại dễ thương
Pingu nói thêm:
-….mà thương không dễ.
Ôi! Thần linh ơi! Nếu nhốt thượng đế với một con ngựa già hay giận, con cọp con hay hờn, con chuột nhắt hay chọc phá trong một cái hộp chừng 30 mét vuông trong 60 ngày hay 1440 giờ hoặc 86400 phút khoảng 5184000 giây thì Thượng đế cũng phát khùng
Saigon 16.3.2020

SỐNG GIỮA MÙA DỊCH CORONA


Nghe tiếng chân từ thang máy thay vì nấp ở cột nhà, chờ mẹ Đăng hay ba Hài đến cửa, Pingu Ken nhảy xổ ra:

-Hù!!

Rồi cười khanh khách, nhảy lên bá cổ ba mẹ. Giờ đang mùa dịch, Ken cầm chiếc bình đựng cồn sát khuẩn đưa ra. Pingu nhắc:

-Mẹ rửa tay.

Mẹ Đăng thủng thẳng:

-Thôi! Để mẹ đi tắm luôn. Khỏi xịt, đỡ tốn.

Ba Hài không nỡ phụ lòng hai đứa, xòe tay cho Ken xịt vào rồi đi tuốt vô phòng tắm. Hai đứa chờ một lúc rồi mới được xà vào lòng, bỏ một ngày xa ba mẹ.

Nghỉ Tết từ khi đưa ông Táo về trời đến nay gần 2 tháng nên Pingu Ken cứ ngỡ đang nghỉ hè.

Bước chân xuống Sài Gòn, nhà chỉ còn lưng 2 hộp khẩu trang mua từ hiệu thuốc Nhân Hòa ở Dalat. Chỉ đủ cho người lớn đi làm chừng một tháng, Pingu Ken mà đi học thì gay go. May sao công ty dì Thư phát cho 2 hộp mà ngày đến trường còn mờ mịt. Mẹ Đăng tắc lưỡi:

-Thôi kệ. Để mua thêm khẩu trang vải sát khuẩn cũng được.

Bà ngoại bỏ tập yoga mỗi sáng:

-Mình đi ra ngoài lỡ mang bệnh về nhà cũng tội.

Ngoại chỉ đi chợ mua thức ăn cho một tuần. Một tối, mẹ Đăng dặn:

-Thấy mở nhiều trại cách ly, cũng sợ. Mẹ đi chợ mua thêm đồ khô để dành.

Dì Thư cười:

-Mẹ tha cả tạ gạo, mấy thùng mì gói, cá hộp, thịt hộp từ tuần trước rồi.

Qua tuần thứ 2, nhà trường gởi đề ôn tập cho học sinh nên hai đứa cũng có việc làm. Tuần thứ 3, trung tâm Anh văn bắt đầu dạy online nên Pingu Ken chia nhau máy vi tính để học. Tuần thứ 4, nhà trường hết bài cho về nhà, bởi chương trình học rồi thì bài tập đã làm hết; bài mới chưa dạy sao ra đề.

Mỗi chiều, Pingu Ken ngồi mong ba mẹ với dì Thư về ăn cơm tối; ngóng nghe người lớn bàn tin tức nên cả hai đứa đều sợ không dám xuống sân chung cư. Ken nhớ hồ bơi ở trường Nguyễn Hữu Thọ, Pingu nhớ sân bóng rỗ. Ăn xong không vận động nên đứa nào cũng tăng ký; may ngủ nhiều nên cũng cao. Lúc mới nghỉ Tết, Pingu cao bằng dì Thư mà nay đã gần bằng mẹ Đăng.

Hai đứa ở riết trong nhà, đâm ra cà khịa với nhau. Mỗi lần Ken tự khen:

-Minh Nhật đẹp trai, không ai đẹp trai bằng Minh nhật đẹp trai.

Pingu đủng đỉnh nói với khuôn mặt vô số tội:

-Ken hư!

Ken sẽ lăn ra khóc đến khi người lớn la Pingu mới thôi. La thì la vậy chứ ai cũng biết: nhốt một con cọp với một con chuột vào trong 1 cái thùng suốt 2 tháng không điên mới lạ.

Mỗi ngày, mọi người đều cầu mong: một ngày bình an, không ho, không sốt, không sổ mũi, không đau cổ họng…Cứ cầu chừng đó thôi cho đến ngày…hết dịch

10.3.2020


CHIM CÁNH CỤT PINGU


Pingu đang thi Học Kỳ I đến thứ 7 thì xong, nghỉ nguyên tuần đến Ken lại bắt đầu thi. Để tránh người chơi, kẻ phải học, sinh sự ồn nhà nên ngoại hỏi Pingu :

-Gu dám đi Dalat một mình, ở với ông Hùng vài ngày không ?

Pingu không ngần ngừ :

-Con đi liền. Mẹ cho con đi nghe.

Dì Thư :

-Sao gan dữ vậy.

Mà gan thật. Ở cái xứ ồn ào, đầy bất trắc này, sơ xẩy là thấy cảnh « như chưa hề có cuộc chia ly « ngay. Pingu Ken được theo sát từ khi còn đỏ hỏn đem xuống công viên phơi nắng đến giờ, nay tự dưng để đi một mình đến 330km chứ ít gì hỏi sao không lo. Mẹ Đăng hỏi ý ba Hài xong chốt :

-Cho con đi. Tuy hơi sợ nhưng đành vậy. Cũng phải cho nó tự lập một chút. Lớp 6 rồi.

Sau khi tìm phương tiện đưa Pingu về Dalat thêm phí chăm sóc trẻ em ngang bằng tiền vé, cả nhà mới yên tâm. Để đứa luôn tự nhận mình đẹp trai khỏi phân bì : không công bằng. Mẹ Đăng thăm dò :

-Gu đi Dalat chơi vài ngày xong đi xuống với ông Hùng để ăn Noel, khi ông Hùng về, Ken đi theo. Mai một Ken chơi chán, mẹ mua vé để Ken đi một mình như Gu nghe.

Ban đầu Ken vui vì được xem như người lớn ngang như Pingu. Sau 1 ngày suy nghĩ : niểm vui không lấn át nỗi sợ ma khi không có mẹ, ngoại bên cạnh. Buổi tối, Ken thủ thỉ :

-Con tính lên dalat không có gì vui nên con không đi nữa. Con sẽ đi trại với lớp con

Mẹ Đăng nheo mắt :

-Lên Dalat không có gì vui. Gu có tính lại không


Pingu lém lỉnh :

-Con tính…con tính nhân 2 bằng 8 ; 3 mũ 2 bằng 9.

-Wha !

Cả nhà tròn mắt. Từ trước tới giờ chỉ thấy Ken có máu tếu lâm thôi. Pingu cười nhe hàm răng trắng, chắc được nước tiến lên :

-Con đố cả nhà : có 1 cái bánh, chỉ cần 3 nhát dao làm sao chia đều cho 5 người.

Mọi người đưa tay vẽ vào không khí…

-Chịu

-Thì chém 2 nhát chia các bánh thành 4 miếng đều nhau. Nhát thứ 3 chém vào thắng thứ 5 để khỏi phải chia cho nó !!!

-Bó tay ! Pingu.

16.12.2019



TÔI SẮP TUỔI TEEN


M.C: Chào em. Em hãy tự giới thiệu mình

NGƯỜI THAM DỰ: Dạ. Em chào anh. Con chào mọi người. Em tên là Pingu. Năm nay em 11 tuổi, hiện là học sinh lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa Sàigon

M.C: Em nói thêm về ba mẹ của mình.

PINGU: Dạ. ba mẹ em là nhân viên văn phòng nên đi làm từ sáng cho đến tối mới về. (cười)  Khi nào không đi công tác, ba em thường dạy thêm Toán cho em. Mẹ em theo dõi việc học kỹ hơn, mẹ giúp em học văn phạm Anh văn. Sáng thử bảy, chủ nhật, ba mẹ em được nghỉ, ba chở em đi học Anh văn, khi đó em muốn ăn gì, ba em cũng chiều. Mẹ em thường nói: chỉ nhìn thoáng qua là biết ba cha con muốn gì, có lẽ tại chuyện gì em cũng kể cho mẹ em nghe.

M.C: Nhà em còn có ai nữa không

PINGU: Dạ. ông nội em mất từ lâu, bà nội ở dưới quê, thỉnh thoảng nội lên khám bệnh mới ghé thăm, tết hay nghỉ lễ tụi em mới về quê. . Ông bà ngoại ở chung với nhà em, lo việc đón rước tụi em và cơm nước cho gia đình. Dì em rất tuyệt vời, thương tụi em vô điều kiện. Em Ken dễ thương. Hai anh em thường coi ti vi, chơi game …cùng nhau. Em hay lén chọc Ken vì nó mít ướt hay khóc

M.C: Em đang học ngôi trường có tiếng ở Sài gòn, em có bị áp lực không?

PINGU: Dạ. Đậu vào trường Trẩn Đại Nghĩa là niềm vui, hãnh diện  của gia đình em, cô chủ nhiệm và cả cô Hiệu trưởng nữa. Thời gian đầu, em cảm thấy mệt vì phải dậy sớm, ra đón xe đưa rước, mất cả tiếng mới đến trường. Bạn mới nên ít nói chuyện, cách học cũng khác hồi Tiểu học nên em bị sốc. Bây giờ em quen rồi, quen nhiều bạn, trường có sân chơi bóng rỗ; em lên xe, nhắm mắt ngủ đến khi xuống xe mới dậy nên cũng khỏe. (cười) Thích nhất, cuối tuần trường đưa thực đơn, ngoài vài món cố định mình còn có thể chọn món mình ưa thích.

MC: Hèn chi mà em khá là tròn. Em có bạn thận không ? (Thăm dò) bạn thân của em là bạn trai hay gái.

PINGU : Dạ, em thân với Kiệt ngồi bên cạnh, em ngồi ngoài nên thân với Gia Ngân ở đầu bàn đối diện. Chúng em trò chuyện về học hành, nhạc…tất cả mọi thứ. Gia Ngân rất tốt, bạn là con gái nên chu đáo, hay nhắn tin nhắc chừng em học bài. Giờ ra chơi, hai bạn đó không xuống sân, em xuống sân chơi bóng rỗ và kết thân với Khôi. Chúng em là một team .

MC : Cho anh hỏi câu tế nhị chút xíu: các bạn lớp em có hay chửi thề không ?

PINGU : Dạ cũng có nhưng không nhiều lắm, trong giới hạn thôi. (cười xấu hổ) Ở nhà, ông ngoại và ba không bao giờ chửi thề, thỉnh thoảng bực quá em cũng nói bậy, chắc em giống dì em, dì lỡ lời xong lại nói : Ôi ! Bậy quá ! Dì xin lỗi, tại dì tức quá mà.

M.C : Em hãy kể một câu chuyện thú vị với bạn em

PINGU : Hôm trước, mẹ em lấy cây Noel năm ngoái ra trang trí. Em rất thích nên chụp hình gởi cho các bạn. Các bạn chọc em là «  rich kid ». Rich kid là đứa trẻ giàu có nhưng rich kid này chưa có nhà lầu, xe hơi, laptop, điện thoại….

M.C : Ủa ! em chưa có điện thoại làm sao chat với bạn.

PIGU : Dạ. Trong lớp em chỉ còn em chưa có điện thoại thôi. Mỗi khi cần gì em mượn điện thoại của mẹ. Mẹ nói khi nào cần thiết cho việc học mẹ sẽ mua cho, chứ bây giờ chỉ mất thơi giờ chat với bạn, với lại mẹ sợ em ghiền chơi game.

M.C : em có lời nào nói với ba mẹ em không

PINGU : Dạ. Em rất hạnh phúc khi được sống chung với ông bà, dì, ba mẹ với em Ken. Ken ơi ! Ráng học đi, để vào đây học với Gu. Bớt nhõng nhẽo thì Gu sẽ không chọc nữa ! Hôm trước mẹ em có hỏi : con có cần mẹ dành thêm thời gian cho con không. Dạ, em nhớ anh nói với mẹ : Con đủ rồi mẹ ơi ! chừa con chút không gian để thở.

MC : Cám ơn em vì buổi trò chuyện này. Em là đứa trẻ may mắn và hạnh phúc. Chúc em luôn vui và thành công.

Saigon 11. 12. 2019