Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền

Một dòng sữa thơm xa xôi còn truyền

Tuổi thần tiên đến khi em vừa lớn

Áo ngắn đi dần, may áo mới luôn.


Tuổi thần tiên lắng nghe cha ngọt ngào

Giọng trầm hát câu ca dao dạt dào

Tuổi thần tiên có thêm anh chị yêu

Có thêm ông bà tóc trắng da nheo.



Thursday, June 18, 2020

ƯỚC MƠ NHỎ NHOI


Pingu vào trung học, mới hơn 6 giờ sáng, xe đưa rước học sinh có mặt ở đầu ngõ nên 5 giờ rưỡi ông ngoại khua Pingu Ken dậy làm tắm rửa, ăn sáng.

Cả nhà dậy theo, tấp nập một chút rồi kẻ vào trường, người đi làm. Căn nhà vắng vẻ tới chiều. Pingu Ken về trước và dẫu đang chơi hay làm bài tập về nhà, cũng dừng lại chạy ra đón và ôm  mẹ Đăng, dì Thư và riêng ba Hài, Ken còn nhảy bám vào cổ.

Bữa cơm tối trở thành bữa ăn chính trong nhà, thường chờ đông đủ mọi người mới cầm đũa nên nhiều hôm ăn xong đã đến 9 giờ. Loay hoay một lúc lại đi ngủ. Hôm nay dì Thư kể:

-Con mới đi phỏng vấn chỗ làm mới. Công việc cũng tốt nhưng 50% thời gian là đi công tác.

“Trùm nghe lén” Ken dim dim ngủ, buột miệng:

-Dì Thư xin việc làm chi vậy.

-Thì dì cũng phải kiếm tiền mua đồ chơi, trà sữa cho Pingu Ken chớ.

Ken than:

-Ba Hài thì 80%, dì Thư 50%. Hôm nào hai người cùng đi công tác, nhà buồn hiu.

Rồi đưa ra cách giải quyết:

-Dì Thư lên cơ quan xin lên chức một chút, xuống một chút cũng được, miễn sao đừng gặp bà mà hay sai dì Thư là được chứ gì.

Để thuyết phục cho ý tưởng của mình, Ken thở dài:

-Con chỉ thích bữa cơm nhà mình có mặt đủ mọi người.

Ước mơ nhỏ nhoi của “thánh nói đúng như thiệt” xuất phát tự tấm lòng khiến người lớn cùng ngẫm nghĩ.

                        Sai gòn 22.9.2019

LÝ SỰ


1/Mẹ Đăng:

-Việc học của Ken như biểu đồ hình sin

-Là sao hả mẹ.

-Thì khi lên khi xuống, không đều. Con vô bệnh viện thấy máy đo nhịp tim không, nó chạy lên chạy xuống y như vậy.

-Vậy là đỡ chớ mẹ. Nó chạy ngang là tèo luôn.

-Tèo là sao.

-Thì là chết.


2/Dì Thư và Ken đi ra đường, ngang đèn đỏ đứng lại chờ. Có một chiếc xe lam chạy vượt đèn đỏ. Dì Thư lắc đầu :

-Đèn đỏ mà cũng chạy. Không chờ nổi.

Ken nhìn theo chiếc xe, đủng đỉnh :

-Chắc họ có chuyện gì vội lắm, họ mới vượt đèn đỏ !

18.6.2020



CON HEO TRÈO CÂY


Trường của ken có đủ chỗ ngồi cho học sinh nên Ken để sách vở ở lại trường chỉ đem vở dặn dò và vở bài tập về nhà. Vậy mà chỉ qua phòng vi tính học và chiều về đến nhà Ken mới biết mình quên bình nước uống và hộp bút.

Bà ngoại than:

-Từ ngày đi học đến giờ, bút chì, bút mực, gôm, thước…Ken làm mất nhiều đến nổi có thể mở được cửa hàng tạp hóa luôn.

Ông ngoại tức:

-Học hành gì! Học vi tính thì mải chơi game, quên cả đồ đạc.

Ken im lặng không cãi, chờ ông xuống nhà dì Thư. Ken đủng đỉnh:

-Ông ngoại suy luận không logic chút nào? Quên hộp bút thì dính gì tới việc học vi tính. Hai chuyện đó không có liên quan gì đến nhau.

Dì Thư nghe Ken phân trần lấy lại công bằng cho ông ngoại:

-Ken mà tìm được bình nước với hộp bút thì như con heo biết trèo cây.

Mỗi chiều ken đi học về cả nhà lắc đầu nhìn Ken. Bốn ngày sau Ken đem bình nước về:

-Con vô phòng vi tính, bình nước cao nên con thấy, hộp bút nhỏ nên chưa tìm.


Thấy dì Thư ngó lom lom ngoài cửa, Ken hỏi:

-Dì Thư tìm cái gì?

-À! Dì kiếm xem có con heo nào trèo lên cây không.

Ngoại nói:

-Khi nào ken đem hộp bút về thì đúng con voi trèo cây luôn.

Con voi thời nay hiếm nên làm sao kiềm ra được con biết trèo cây nên hộp bút đi luôn tới giờ chưa về.

12.6.2020

Tuesday, June 16, 2020

HÀM RĂNG CỌP

 


          Pingu là đứa trẻ dễ nuôi ngay từ nhỏ, sẵn sàng thích nghi mọi chuyện xảy ra quanh mình. Có Ken, chú nhường mẹ cho em, sang ngủ với bà ngoại và dì Thư. Ken lớn tí, đòi theo bà ngoại, chú lại quay về với mẹ, lúc lắc đầu than : Kỳ cục.

Ken biết bò thì Pingu đi nhà trẻ gần nhà. Buổi trưa Pingu ăn ở trường rồi nên về nhà chỉ uống nước cam và chơi, chờ đến khi đi ngủ mới uống sữa.

Một hôm, Ken giật mình thức giấc khóc, Pingu đang chơi, nghe tiếng em chạy vào. Chú cầm thanh nhựa gõ vào thành xe dỗ em, mọi lần chú hát bài: Xuân đã về. Hôm nay, “ cái thằng khỉ” vừa gõ vừa la:

 -Có tui! Có tui!

Ken càng khóc to, Pingu càng la to:

-Có tui! Có tui!

    Phải gào to hơn tiếng khóc thì Ken mới nín khóc, mở mắt nhìn xem ai cả gan la to hơn mình. Thật thương, bởi “có tui đây” là tiếng bà ngoại kêu lên mỗi khi nghe Ken khóc.

Ken mọc răng, hàm trên 8 cái,  có một chiếc răng mọc lệch khiến chú nhóc cười trông thật có duyên; hàm dưới nhú được 4 cái và chuẩn bị thêm hai cái nửa. Răng của Ken to như răng cọp chứ không nhỏ như răng chuột nhắt của anh Pingu. Ken bị ngứa răng, bạ đâu gặm đó; chú khoái dùng 2 tay túm lấy tóc người bế, kéo xuống sát để được gặm cái cằm. Thứ duy nhất chú không thích cắn đó là đồ chơi giành cho bé bị ngứa răng mà bạn ba mua mãi từ bên Singapore về cho chú


Ngày xưa Pingu hay cắn nơi hai vai, mọi người kêu :

-Cắn nhẹ thôi.

Pingu nhả ra. Còn Ken nghiến đau thấu trời xanh. Một lần, Pingu tranh đồ chơi thường bị em cầm tay cắn một phát đủ 8 cái răng, Pingu khóc to nhưng hiền không đánh em, chỉ mách người lớn. Về sau, Pingu khôn ra nên giữ một khoảng cách hay bà ngoại phải canh chừng không cho “con cọp xanh” nổi cáu.

Bỗng có tiếng anh khóc, em gào to

-Em cắn con.

Đùi Pingu có 8 dấu răng, sâu đậm; tay Ken có nguyên vòng tròn đủ răng của anh. Hóa ra nhịn mãi cũng không xong. Phải tự vệ thôi!!!

20.10.2017


 


TỪ CHỨC TỔ TRƯỞNG TỔ ĂN GIAN


( Thương tặng Ken, vận đông viên thế giới tương lai…)

Mùa hè đã qua. Mùa bơi chấm dứt. Pingu và Ken từ giã thầy An, dạy bơi ở hồ Anna. Thầy cười:

-Chào “tổ trưởng tổ ăn gian”. Hè sang năm gặp lại.

“Tổ trưởng tổ ăn gian” do thầy An tặng Ken vì khi Pingu bơi hết hồ, Ken mới được một nửa, thấy Pingu quay lại thì Ken cũng làm theo và tự nhận xong 1 vòng.

Năm nay Ken lên lớp 3 nhưng vẫn là đứa nhỏ nhất trong nhà nên nhõng nhẽo đến chảy nước, mọi việc đều do người lớn rãnh rang làm giùm.

Năm nay, lớp Ken phải phổ cập bơi lội ( nghĩa là các em lớp 3 học bơi để khỏi bị đuối nước). Mỗi chiều thứ sáu, xe bus chở học sinh đến hồ bơi của trường Nguyễn Hữu Thọ ( hồ bơi gần nhà mà mẹ Đăng chê: dơ, nhiều mùi flor, đông học sinh tiểu học thì phài có đứa đái vào hồ…).

Buổi sáng, ông ngoại chuẩn bị quần bơi, kính, khăn cho vào 1 túi, Ken chỉ xách đi. Vì không phải tự lo nên Ken quên đem về. Mới đi học chừng nửa tháng mà 2 kính bơi để lại hồ, 1 cái gãy đôi. Mẹ Đăng sắp sửa nổi giận thì đột nhiên Ken làm hòa với câu:

-Con được vào đội bơi lội năng khiếu của trường.!!!!

Cả nhà chưng hửng: cái thằng bơi ếch không ra ếch, sải không ra sải, bơi như con chó chết trôi mà vào trong đội năng khiếu. Có lạ không ta:

-Sao thầy biết mà chọn con.

-Bạn con đề cử.

Hóa ra mấy nhóc lớp 3 chưa xuống nước thấy Ken bơi hết hồ nên hâm mộ.


Vậy là một tuần 3 buổi, sẩm tối từ 5 giờ rưỡi đến 7 giờ, bà ngoại dẫn bộ Ken qua hồ bơi. Nghĩ cũng tội. 7 giờ sáng ra khỏi nhà đến 5 giờ chiều mới về đến nhà thay đồ bơi ngay. Ken chỉ dám uống ly sữa, ăn qua quýt miếng bánh cho đỡ đói.

Hồ bơi không đẹp, chung quanh chỉ để có vài ghế đá, và có rào hồ có 5 line bơi, có  quán bán đồ ăn sẵn : xúc xích chiên, gà rán, khoai tây chiên, mì gói…

Hồ bơi khá đông người vì hầu đội năng khiếu của các trường tiểu học gần đó cũng về học.

Đội tuyển của Ken chừng chục em và Ken nhỏ nhất vì mới được chọn. Có 2 thầy làm huấn luyện viên. Thầy giáo chính được đào tạo bài bản tại trung tâm bơi lội của quân đội nên tác phong lẫn cách dạy cũng khá nghiêm.

Chỉ thoáng nhìn là thầy biết ngay yếu điểm của Ken, thầy cho Ken nằm sấp trên thành hồ bơi và bắt tập tay cho nhuyển. Sải cho ra sài nè.

Thầy cho Ken cầm miếng phao như tấm bảng và bắt đạp chân. Này ếch phải ra ếch!.

Đội hình chia 2 nên 1 thầy nhìn chăm chăm 4 em, nghe lệnh mỗi em xuất phát cách nhau chừng 5 sải tay. Sau lưng Ken là một bạn nữ, to con và học lớp trên Ken nhưng dù gì cũng phái yếu nên Ken phải cố bơi không dám để hụt hơi. Hết ăn gian chưa tổ trưởng !

Hết giờ học, tuy mệt nhưng mắt Ken vui, sáng long lanh

Hè sang năm, chưa biết ai làm “tổ trưởng tổ ăn gian” đây

Tháng 11.2018


 

 

 


TÀI HOA VÀ ĐÀO HOA


Mỗi sáng, sau khi ăn xong, Pingu có chừng15 phút để tập đàn trước khi đi học. Đây cũng là lúc hai bà cháu hục hặc với nhau:

-Pingu ơi đánh đàn đi.

-Chờ cháu xíu.

-Chờ gì nữa, sắp đến giờ đi học rồi. Ngày nào cũng phải nói.

Pingu vào đàn, đôi lúc nước mắt ngắn, nước mắt dài. Mẹ Đăng hòa giải:

-Mỗi ngày con chỉ có lúc này là tập đàn thôi. Mẹ cũng muốn đàn vào giờ này nhưng nhường cho con. Buổi tối, mấy đứa học bài, mẹ đâu có đàn được sợ ồn.

Pingu nói ngang:

-Vậy mẹ đánh đi, con khỏi đàn.

Bà ngoại an ủi:

-Giờ con chỉ thấy khó khăn; lớn lên có chút tài mọn sống cũng vui hơn. Con có chút năng khiếu về âm nhạc, học đi không uổng.

Pingu ấm ức không muốn nghe. Đến một chiều đi học về, mặt mày Pingu tươi rói, khoe:

-Bữa này, giờ ngoại khóa, con vào phòng dạy nhạc. Lớp không có đàn Piano, chỉ có đàn organ, con đánh một bài, cô giáo cho con làm nhóm trưởng luôn.

Dì Thư chọc:

-Con có nói với cô: được như vậy con phải luyện tập “ gian khổ đầy mồ hôi và nhiều nước mắt” không.

Chiều nay, ông ngoại đi Qui Nhơn, bà ngoại và Pingu ngồi ở sân trường chờ Ken học lớp năng khiếu cờ vua ra trễ. Bạn Thiên An sà xuống, bắt chuyện:

-Bà biết không, bạn Minh Thông đàn hay. Nhiều bạn gái thích Minh Thông.

-Ôi! Hay quá ( bà ngoại thăm dò) , Bạn đó tên gì con?

-Nhiều lắm, con không nhớ hết. Mà nhiều bạn trai cũng thích nữa.

Mặt Pingu vênh lên muốn đụng tới lầu 4. Thấy ghét!!!

(20/4/2018)




Monday, June 15, 2020

GẶP LẠI NHAU


Trước khi đưa Pingu đi học ở khu Himlam, cả nhà đi ngược đường ghé quán Highland bên cạnh chỗ học VUS của Ken uống cà phê sáng, cốt ý chờ gặp ông thương phế binh VNCH quen thuộc của nhà:

-Không hiểu trong mùa dịch Corona Vũ Hán, ông sống ra sao.

-Không biết khi nào gặp lại ông. Ken hết học VUS thì mình đâu còn đi về miệt này nữa.

Chờ hoài mà không gặp. Chủ nhật, cả nhà lại ghé quán Highland uống cà phê. Bỗng nhiên ông thương binh xuất hiện trong bộ quàn áo cũ kỹ nhưng sạch sẽ, nụ cười hiền lành nhẫn nhịn, khuôn mặt khắc khổ với một con mắt bị hư. Ông khập khễnh bước lại chào. Dì Thư:

-Ông ngồi đây chờ con một chút.

Dì bước vào quán mua ổ bánh mì với ly cà phê mang đi. Mẹ Đăng lấy chiếc phong bì lì xì Tết để dành cho ông:

-Con lì xì cho ông đây. Mấy nay ông sống ra sao?

-Tui cũng mới vô đây thôi. Nhà trọ cũng gần đây nên buổi tối tui đi vòng vòng quanh những quán gần nhà đến 11 giờ mới về nhà ngủ. Kiếm được đồng nào hay đồng ấy để gởi về cho bà với mấy đứa nhỏ.

Khuôn mặt ông vui không phải vì món quà nhận được mà vì tình cảm của mọi người dành cho ông.

Lúc ra về, mọi người nhìn qua phía bên kia đường, dưới thềm xi mang, ông ngồi nhai ổ bánh mì, tay cầm ly cà phê. Thảnh thơi nhưng cô quạnh! Cầu mong ông có nhiều sức khỏe!

1.6.2020


MÙA HÈ ĐI BƠI


“Ông Thông Mập” là biệt danh các bạn tặng khi Pingu bước chân vào trường Đặng Thùy Trâm. Trước kia Pingu chỉ hơi tròn kháu khỉnh nhưng khi mổ ruột thừa, bị viêm tới viêm lui phải nằm bệnh viện hơn 20 ngày và chuyền cả trăm bình nước nên giờ này Pingu trở thành em trai của Doremon.

Pingu không thích ăn phở, búng riêu, bún bò, hủ tiếu… chỉ ưa một số món như cơm chiên, cơm tấm, khoai tây chiên, tôm tẩm bột chiên. Pingu ăn rất nhiều đến khi chiếc bụng căng tròn mới thôi.

Cả nhà cũng biết Pingu mập nên cũng muốn Pingu ăn kiêng bớt, một tuần để Pingu ăn 1 món hợp khẩu vị. Ba Hài đãi món cơm tấm thập cẩm; dì Thư tặng gà quay; mẹ Đăng cho Pepper lunch, bà ngoại làm tôm tẩm bột… một người một món chứ có bao nhiêu mà một tuần ăn có mỗi một lần. Wha! Nhìn thực đơn cũng biết Pingu khó giảm cân.

Cũng may mùa hè tới, ông ngoại đưa Pingu học bóng rỗ. Mẹ Đăng lên lịch đi bơi tuần 3 buổi. Bà ngoại dỗ: Chịu khó vận động giảm béo.

Gần nhà có hồ bơi của trường Nguyễn Hữu Thọ. Năm nào, bà ngoại với cậu Huy học bơi ở đây. Tiền học rẻ lại gần nhà: 5 giờ sáng bơi đến 6 rưỡi là về, nhờ vậy mà cả 2 đều biết nổi trên mặt nước. Hầu như lớp 3 của các trường tiểu học ở quận 7 đều dẫn học trò đến đây học để tránh cho trẻ em chết vì đuối nước. Cả ngàn đứa trẻ thay nhau xuống bơi kín lịch 5 ngày, buổi sáng lẫn chiều, mùi flor bay ra đến đường. Pingu nước da mảnh nên nổi sần, Ken vừa bơi vừa há miệng cười nên mẹ Đăng sợ bệnh đổi qua hồ bơi Anna.

Hồ bơi Anna sạch nhưng hơi xa. Mỗi sáng ông ngoại tống 4 người lên xe vì ông ngoại không chịu ngồi chờ nên bà ngoại phải đi theo. Ông ngoại lớn tuổi nhưng còn sức khỏe. Ông không ngại chuyện chở mà lo chuyện khác :

-Sáng đi sớm không thì Công An phạt.

Vậy là chưa tới 7 giờ là bắt đầu rời khỏi nhà. Pingu thắc mắc:

-Con thấy ông Công An nhìn mình mà họ có nói gì đâu.

-Họ tha đó. Chớ lần sau họ phạt.

Ông ngoại ghé quán Circle K. Pingu ăn cơm cá hộp, Ken chọn bánh mì và ba ngoại lấy ly bạc sỉu. Sau đó qua đường vào hồ bơi.

Nhiều lúc đi sớm, thầy An chuyên dạy bơi và chăm sóc hồ làm vệ sinh chưa xong. Hai anh em thay quần áo chạy 2 vòng khởi động , bắt đầu xuống nước.

Bà ngoại giao hẹn:

-Bơi 7 vòng liên tục rồi mới được nghỉ, 3 đợt 21 vòng thì thôi.

Chiều dài hồ là 30 mét, 1vòng 60 m, 21 vòng chừng 1,3km. Pingu vùng vằng:

-Sao bơi nổi. Bà ngoại.

-Kỳ trước con bơi 20 vòng, giờ thêm có 1 vòng. Con mà bơi được thì tha hồ ăn.

Pingu và Ken bắt đầu bơi, bà ngoại đi men theo cạnh hồ, canh 2 đứa vì hồ bơi không có nhân viên cứu hộ. Đến cuối hồ, Pingu quay ngược lại. Pingu bơi khá đẹp nhất là bơi sải, mẹ Đăng hứa sang năm cho Pingu bơi bướm. Ken lạch bạch bơi sau, Ken bơi sải không ra sải, ếch không ra ếch, đôi lúc bơi như chó chết trôi. Vòng đầu Ken còn chạm thành hồ, Vòng sau thấy Pingu quay lại, Ken đổi hướng bơi theo:

-Bà ngoại! Ken bơi chưa giáp vòng mà đã quay lại.

-Kệ nó, nó bơi vậy là tốt rồi.

Thầy An cười:

-Ken bơi được mấy vòng rồi.

Sao ai cũng thích chọc Ken. Ken cười cười:

-Dạ. 12 vòng

-Ken bơi ăn gian quá. Ken là tổ trưởng tổ ăn gian.

Hết một lượt hai anh em ngồi đùa với nhau, bơi ngang, hụp nước. Vì hồ là một phần của spa nên cảnh vật rất đẹp và yên tĩnh, nhiều người tới đây mặc đồ bơi chỉ để chụp hình. Đôi khi cả buổi sáng chỉ có 2 anh em vùng vẫy.

9 rưỡi, sau hơn 2 giờ nghịch nước, hai anh em lên tắm lại nước ngọt và ra cổng chờ ông ngoại.

Pingu và Ken sau mùa hè trông cao và khỏe hẳn. Bây giờ Pingu bằng dì Thư, đó là khi đứng lên cân nặng chứ không phải chiều cao!

Ôi! Mùa hè bơi lội chấm dứt.

Saigon 4/9/2018

Friday, June 5, 2020

ĐI HỌC TRỞ LẠI


11.5,.2020.

Pingu và Ken trở lại trường trong tư thế “sống chung với lũ” ( lũ đây là cúm Corona Vũ Hán). Hai đứa được chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay để sẵn trong cặp.

Pingu học lớp 6 nên vào khuôn khổ hoc hành nhanh chóng tưởng “như chưa từng có cuộc chia ly”. Xe đưa rước đúng giờ, lớp học chỉ kê thêm bàn và mỗi người ngồi đầu bàn, xen kẻ nhau đúng chỉ tiêu : Mỗi học sinh cách nhau 2 mét. Học sinh vừa vào lớp bị dò bài, kiểm tra luôn để kịp lấy điểm cho học kỳ II.


Thật tội cho cô giáo lớp 4 của Ken: lớp đông nên tách ra làm đôi, giáo viên tổng phụ trách hay đoàn đội giữ trật tự lớp, cô giáo chạy qua chạy lại giảng bài. Học sinh được chia tùy theo trong kỳ cách ly có được học online qua mạng hay chơi suốt. Ken khoe:

-Con ở lớp giỏi. Hơn nửa lớp phải học lại vì mất căn bản.

-Mấy đứa vào lớp có đeo khẩu trang không.

-Dạ, có chứ. Ai cũng đeo hết. Trường còn phát khẩu trang đem về nè.

Được một tuần lễ thấy tình hình êm êm, trường Ken gom học sinh về lớp và lại cho ăn bán trú. Cô nói:

-Vô lớp em nào thấy mệt thì khỏi đeo khẩu trang.  

Cô giáo phát đề cương ôn tập thi giữa kỳ II. Mỗi buổi tối Ken làm mấy tờ giấy đề ôn thi in trên giấy A 4:

-Ngoại! Cô cho ôn tập tả cây cối. Giờ mình chọn tả cây nào đây?

-Ken thích cây nào tả cây đó: Cây hồng nhà ông ngoại, cây mận nhà ông nội, cây ổi nhà chú Lý… Theo dàn bài mà làm, cây nào cũng giống giống nhau mà.


Chiều Ken đi thi về:

-Làm bài được không con

-Môn toán thì câu cuối làm không kịp. Tập đọc bốc trúng bài con ghét nhất. Luyện từ và câu thì dễ. Tập làm văn con tả cây hồng.

Mười ngày sau, cô giáo chấm bài và ghi vào sổ liên lạc phát về cho phụ huynh ký kèm với bài tập làm văn: Hãy viết lại cảm nghĩ của ba mẹ em khi xem sổ liên lạc.

Hôm sau học sinh nạp bài và cô đọc trước lớp chỉ có điều không nêu tên:

-Ba em nói: học kiểu này thì đi bán vé số sớm.

-Ba mẹ em cám ơn cô đã ôn bài kỹ cho em

-Hồi xưa, mẹ học như vậy thì ông ngoại bắt quỳ vỏ trái mít. Mà điểm này thì quỳ vỏ trái sầu riêng luôn.

-Ở bệnh viện thăm ba, mẹ em đọc sổ liên lạc, mẹ em không nói gì nhưng vừa ra khỏi cổng bệnh viện mẹ em nói: em là đồ mất dạy.

Bài của Ken:

Trong khi bị cách ly, em chăm chỉ học và làm hết bài tập cô ra. Tuy nhiên kết quả bài thi không như mong đợi. Mẹ em rất buồn và ba em cũng vậy. Em sẽ cố gắng hơn.

 Đúng tội! Học chơi mà thi thiệt. Học sinh nào mà chịu cho nổi.

3.6.2020

Saturday, May 30, 2020

SỐNG GIỮA MÙA DỊCH CORONA (TẬP 11) TÔ PHỞ KING DALAT

Ở nhà lâu ngày vì tránh dịch Vũ Hán, Pingu Ken trở nên bẳn tính. Ngoại chịu khó đổi món ăn các kiểu mà hai anh em không vừa lòng. Cũng phải thôi, đang lúc cách ly, không thể ra khỏi nhà nên nấu ăn trong mùa dịch cũng khó khăn: bún riêu thiếu rau cánh giới, bánh mì bò kho không phải túi nêm thường nhật, miến gà vắng bóng rau răm …nên hai nhóc chê.
Nghe dì Ky báo:
-Ngày mai phở King bán lại. Mong quí khách ghé qua.
Pingu Ken đồng thanh:
-Ước gì có tô phở King của ông Cẩn.
-Đâu ra. Ở tuốt luốt Dalat luôn. Mơ chi.
Ông Cẩn là em ruột của bà ngoại. Ông cao to, râu tóc xồm xoàm trông giống con gấu nhưng dễ gây tình cảm với trẻ con. Lúc còn nhỏ, Ken khó rời khỏi tay ngoại cũng chịu xuống đất đá banh nilon với ông. Ôm Pingu vào lòng, thấy cháu khó chịu, ông tìm ra ngón tay Pingu bị sợi len quấn chặt.

Ông có thói quen lấy râu cù vào cổ, má để trẻ buồn buồn cười khanh khách ( nghe kể lại, em Louis mới 5 tháng bị râu cà mặt, bực mình, giơ tay xáng ông ngoại Cẩn một phát tóe lửa. Pingu Ken khoái chí: Nhóc Trùm ngon thiệt!).
Khách hàng đem theo em bé, ông Cẩn sẽ bế hộ để bố mẹ ăn thoải mái rồi mới giao lại. Có trẻ đòi ông chủ quán đút mới chịu ăn.
Pingu là dân Vĩnh Long chính gốc, chỉ thích ăn cơm tấm, sườn bì, hai trứng. Mẹ Đăng dẫn đi ăn phở 24, Tàu Bay, Lý Quốc Sư…Pingu lắc đầu quầy quậy không ưa nhưng khi về Dalat thì chỉ ăn phở King.
Tuy vậy, ăn phở King không phải dễ!
Mỗi lần Tết, lễ lớn nghỉ dài ngày Pingu Ken mới được về quê ngoại, lượng du khách lên đông nghịt nghẹt đường xá, kiếm taxi không ra, đa phần phải cuốc bộ, đến nơi nhìn phở King giống trại tạm cư.
Chiếc xe du lịch 50 chỗ đậu trước cổng, thả khách xuống, dân địa phượng phải dạt qua bên. Ngoại ỷ người thân, lên nhà trên dọn bàn ăn cho mọi người ngồi. Ngoại ra quầy, đứng gần dì Ky:
-Cho cô 1 tô tái chín, 1 tái nạm….

Ngoại làm luôn người bưng bê. Khi người nhà có đủ, ngoại thong thả phụ đón khách:
-Dọn giùm cái bàn này.
Ngoại cười cười:
-Anh sai thì tui làm đó nghe. Tui là khách y chang anh luôn.
Ngoại dọn tô, lau bàn, đem rau… Khi vãng khách, bà Cúc bưng ra tô thập cẩm đặc biệt :
-Thôi ! Chị ăn đi.
Bên trong nhà, Pingu Ken còn thêm chén trứng. Pingu húp sạch, úp ngược tô phở xuống bàn mới hài lòng.
Buổi sáng kèm theo ly cà phê mà dì Ky pha, cả nhà ngồi tám chuyện đến trưa. Bà Cúc trổ tài nấu nướng : tô canh chua, cá chiên với dưa cải muối…
Bên kia, nửa vòng trái đất, bà Trang mơ :
-Ước gì Cúc Cẩn qua đây nấu cho tô phở.
Ừ ! Tưởng vậy mà không phải vậy đâu bà Trang. Nếu bà Cúc có nấu y như Dalat vẫn không thấy ngon. Bởi vì ăn phở King phải ngồi ngoài sân, dưới giàn hoa màu tím xanh nhạt, cạnh bức tường đá có dây leo che kín, hay trong phòng khách chứa đủ các thứ đồ lỉnh kỉnh, phải có cái không khí lộn xộn của quán khi đông khách và nhất là cái dáng người to như con gấu của ông Cẩn giơ tay chào người này, cười với người kia thì mới đúng điệu !!!
21.4.2020